Có bao giờ bạn đặt câu hỏi, nếu hai mặt của một đồng xu chỉ in một hình, sáu mặt của một quân xúc xắc đều chỉ là Lục hoặc Nhất, mọi thứ sẽ thế nào? Bản thân tôi tin rằng khi đó, cuộc sống sẽ vô cùng chán chường!
Hãy quẳng một đồng xu và cho tôi biết, bạn có được mặt sấp hay mặt ngửa!
Hãy rút một quân bài và cho tôi biết bạn được quân Xì (Át) hay quân Hẻo (Hai)!
Hãy quăng một quân xúc xắc và cho tôi biết bạn được điểm Lục hay điểm Nhất!
Nhưng quan trọng hơn hãy cho tôi biết cảm xúc của bạn khi làm điều này!
Tôi luôn cho rằng trong cuộc sống nếu kết quả của một công việc mang lại cho bạn những điều thú vị hoặc những niềm phấn khích lớn lao thì toàn bộ quá trình được tham gia hoặc trực tiếp tìm kiếm những kết quả đó lại mang tới cho bạn những niềm phấn khích và hân hoan gấp bội. Quả thực là một người viết, sống bằng nghề viết, tôi càng cho rằng điều này không thể đúng hơn.
Đạo diễn Lê Hoàng đã từng chia sẻ trong chương trình Chuyện Đêm Muộn: “Nhiều khi mình viết là mình khóc, mà chỉ có mình trên cái bàn đó thôi, chẳng ma nào thấy cả. Rõ ràng là mình cảm động với cái điều mình làm trước tiên. Mình cũng không bao giờ nói ra”. Có lẽ khi chia sẻ như vậy tôi cho rằng vị đạo diễn này cũng đã ngầm ý chia sẻ với bạn xem truyền hình, việc viết bài đối với anh là một trải nghiệm thú vị hơn là công việc đơn thuần.
Inside Louis Vuitton’s success Nguồn: CNN
Với cách nhìn này, một cách nhìn đứng trên cả việc phải đối diện với hai mặt của một kết quả (tăng hoặc giảm doanh thu, khả năng đưa ra một sản phẩm tốt hoặc không), chúng ta sẽ hiểu và trân trọng hơn đối với những gì đang diễn ra trong thế giới hàng hiệu và thời trang cao cấp. Bạn sẽ thấy Louis Vuitton hoàn toàn hợp lý khi thực hiện một chiến dịch quảng bá mà người mẫu không phải là các ngôi sao. Thay vào đó là những người thợ thủ công của hãng. Công việc hàng ngày của họ được thuật lại theo cách không thể cảm xúc hơn bằng hình ảnh: Người thì sơn viền mép da, người thì đóng các khuy đinh tán. Tất cả cùng nhau đi trên một hành trình mang tên tìm cái đẹp đích thực bền vững.
Hay như không phải vô lý khi đích thân chủ tịch Van Cleef & Arpels tôn vinh những người thợ đánh bóng các chi tiết của một chiếc đồng hồ; Chanel không sai lầm khi bỏ công sức và tiền của để mua lại các nhà chế tác thủ công của Mestier d’Art của Pháp, duy trì và phát triển hoạt động của họ. Có lẽ cũng chỉ với cách xem xét vấn đề theo cách này, bạn sẽ thấy Haute Couture – thứ thời trang mà số người có thể sở hữu một món đồ có lẽ chỉ có đếm trên đầu ngón tay – là thực sự quý giá. Và như vậy giá trị của các thương hiệu mới thực sự được trân trọng, công việc tìm kiếm và mưu cầu cái đẹp mới có thể thực sự có ý nghĩa lớn lao.
Mặt khác, tôi cũng tin rằng chỉ với cách nhìn này, bạn mới có thể hiểu được lý do các thương hiệu khi họ giới thiệu những dòng sản phẩm vốn không thuộc về họ hay bán license sang các lĩnh vực khác. Ví dụ như Versace giới thiệu đồ gốm sứ, đồ nội thất, Armani giới thiệu khách sạn. Nếu “thời trang chỉ dành cho những người quả cảm”, những thương hiệu vừa giới thiệu ở trên là những người quả cảm nhất khi đã dám thách thức mọi định kiến, đứng trên dèm pha ì xèo và những lời nhận xét ác ý (rất có thể có cả dư luận) để tìm kiếm cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thế giới.
Bên cạnh đó, ở mỗi mùa thời trang hàng năm, các bộ sưu tập không phải được cho ra đời không phải chỉ với mục đích tăng lợi nhuận, marketing hoặc bán hàng. Đằng sau đó còn là công cuộc tìm kiếm cái đẹp của các nhà thiết kế. Đó là một cuộc chơi lung linh ảo diệu nhưng cũng đầy áp lực. Và vì vậy họ luôn cần sự cảm thông đặc biệt. Có thể bạn sẽ phần nào thông cảm cho chút lỡ lời của John Galliano – sức ép của công việc đã khiến nhà thiết kế cầu viện tới rượu, chất kích thích và hậu quả cuối cùng là một câu nói trong lúc không thể kiểm soát. Và Mathew Williamson hoàn toàn không ngoa khi chia sẻ: “Anh đã kiệt sức trước sức ép của quá nhiều các mùa thời trang trong một năm.”
Khi phỏng vấn ảo thuật gia Petay Majik Nguyễn, tôi khá ấn tượng với câu trả lời của anh: “ Cuộc đời phần nhiều phụ thuộc vào may rủi của số phận. Thắng hay thua, được hay mất của bạn phụ thuộc nhiều vào việc bạn rút được quân bào gì? Con Ách, Con Đầm, Con Già. Nhưng một nhà ảo thuật gia thì khác. Một ảo thuật gia là người hoàn toàn có thể quyết định họ sẽ rút được quân gì. Mỗi người hãy là nhà ảo thuật gia của cuộc đời mình, có thể rút được chính xác quân bài của cuộc đời mình và tự quyết định cuộc đời mình thay vì để cuộc đời mình cho người khác quyết định.”
Chanel Show Fall-Winter 2013/14 Haute Couture
Trong quá trình tham gia bộ sưu tập, tôi có cơ hội tìm hiểu các show diễn thời trang cao cấp của một số thương hiệu. Trong tất cả những bộ sưu tập tôi có cơ hội được xem, được tiếp cận thông tin, tôi thực sự ấn tượng với show diễn của nhà Chanel. Họ đã cho giới mộ điệu một sự quả cảm thực sự khi đặt thời trang cao cấp trong một nhà hát đổ nát, tường mốc xanh đỏ với những đường nứt, những mảng khối bê tông lộ ra của sắt thép. Trong khi đó background của sàn diễn lại là quang cảnh về một thành phố và kiến trúc vị lai ấn tượng. Với cách chơi cùng hai yếu tố đầy tương phản, Chanel lại tiếp tục đưa người xem những trải nghiệm hoàn toàn mới.
Hãy quẳng một đồng xu và cho tôi biết, bạn có được mặt sấp hay mặt ngửa!
Hãy rút một quân bài và cho tôi biết bạn được quân Xì (Át) hay quân Hẻo (Hai)!
Hãy quăng một quân xúc xắc và cho tôi biết bạn được điểm Lục hay điểm Nhất!
Nhưng quan trọng hơn hãy cho tôi biết cảm xúc của bạn khi làm điều này!
Nhưng còn quan trọng hơn nữa là bạn có dám rút, có dám đối mặt với kết quả, có dám đối mặt với hai yếu tố tương phản của một vấn đề hay không!