Các chiếc rương Louis Vuitton không chỉ là sản phẩm thời trang hiện đại mà còn là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp. Với chất liệu cao cấp và kiểu dáng độc đáo, chúng luôn thu hút và làm ấn tượng mạnh mẽ với mọi người.
Bước vào thế giới của Louis Vuitton, nơi tinh thần viễn du kết hợp cùng sự sáng tạo đột phá đã được đan dệt một cách tinh xảo vào tầm nhìn của thương hiệu Pháp kể từ năm 1854.
Mặc dù hiện nay là một trong những thương hiệu lớn nhất và có lãi nhất thế giới; được xem như biểu tượng hoàn hảo cho sự xa hoa ở các thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc tới Phố Bond, Anh, Louis Vuitton có một nguồn gốc khiêm nhường. Thương hiệu này được bắt đầu bởi một người thanh niên trẻ – người đã nhảy tàu lên đường tới Paris để bắt đầu sự nghiệp đóng rương hòm cho những người nổi tiếng nhất Paris trong thế kỷ 19.
Khởi nghiệp từ rương hòm
Louis Vuitton là con trai của một ông chủ cối xay ở Anchay – một ngôi làng nhỏ trong khu núi Jura, không xa biên giới Thụy Sỹ. Đây là một trong những khu vực nghèo nhất nước Pháp. Bốn mươi năm trước khi Louis Vuitton ra đời, khu vực này vẫn còn chưa bãi bỏ giai cấp nông nô. Có lẽ chính điều này đã thúc giục chàng trai 13 tuổi lên đường tới Paris tìm kiếm vận may đổi đời cho riêng mình. Giai đoạn này chính là Paris trong tác phẩm ‘Những Người Khốn Khổ’ của Victor Hugo với gần 01 triệu thị dân. Như những gì Chopin đề cập tới trong một bức thư cho một người bạn của mình vào lúc bấy giờ: “Ở đây, anh sẽ thấy sự xa hoa tột đỉnh và những cảnh không thể khốn cùng hơn. Ở đây, anh sẽ thấy những tấm lòng cao cả nhưng anh cũng sẽ thấy những tội ác không thể ghê tởm hơn.”
Cậu thanh niên trẻ tuổi Louis Vuitton đã được ngài Maréchal cho nhận học việc trong xưởng đóng rương hòm của mình ở đường Rue Saint-Honoré – một con đường mà ở thời đó cũng như bây giờ đều là một trong những con phố thời thượng nhất Paris. (Hiện nay, cửa hàng Colette sành điệu và thời thượng cũng nằm ở đây.) Louis Vuitton đã học và làm việc ở đó gần như trong suốt thời thanh niên của mình. Tới năm 33 tuổi, khi Louis Vuitton rời cửa tiệm của ông Maréchal, Charles-Louis-Napoleon – cháu trai của Napoleon Bonaparte lên nắm quyền và tự xưng Hoàng đế Napoleon III. Paris trên đường trở thành trung tâm phong cách và xa xỉ của thế giới. Cả thành phố gần như bị cuốn vào trong cơn lốc của tiệc tùng. Hoàng đế đã thuê Baron Haussmann thiết kế lại thành phố và tạo ra một Paris của ngày hôm nay. Đây cũng là thời kỳ của những váy phồng khổng lồ được diện tới các bữa tiệc. Những chiếc váy giống như những món đồ nội thất này rất khó để di chuyển chính vì vậy không khó hiểu tại sao những người đóng rương hòm chuyên nghiệp lại rất có chỗ đứng trong xã hội.
Năm 1854, khi 33 tuổi, Louis Vuitton đã kết hôn với cô thiếu nữ 17 tuổi Clémence Emilie Parriaux và quyết định mở công ty riêng ở đường Rue de Capucines chỉ cách chỗ của ông chủ cũ một góc đường. Ông đã quảng cáo dịch vụ của mình trên những tờ rơi nhỏ với dòng chữ đại ý sau: “Rương hòm an toàn cho những món đồ dễ vỡ nhất. Chuyên đóng những rương hòm thời trang.” Ông cũng quyết định giới thiệu với khách hàng của mình những chiếc rương mình tự đóng trong một xưởng nhỏ ở gần đó. Thành công của ông gần như đã tới ngay tức thì.
Louis Vuitton nổi tiếng bởi những cách tân của mình, chẳng hạn như việc dùng chất liệu canvas và keo để bọc rương, việc này giúp cho những chiếc rương có thể đạt độ kín. Ông cũng giới thiệu những chiếc rương hành lý với những màu rất thời thượng. Một trong những màu đó được ông đặt tên là Trianon. Tuy nhiên bước tiến thực sự của thương hiệu Louis Vuitton là khi ông giới thiệu mẫu rương slat trunk – mẫu rương này được gia cố bởi những thanh gỗ sồi và bọc bên ngoài bởi lớp da canvas Trianon.
Đây hiển nhiên là mẫu rương hiện đại đầu tiên của thế giới và tới nay mẫu thiết kế này vẫn còn được sử dụng. Đó đã giống như buổi bình minh của kỷ nguyên xê dịch toàn cầu và để thỏa mãn nhu cầu đang bùng nổ, Louis Vuitton đã chuyển xưởng của mình tới làng Asnières ở bên bờ sông Sein, cách trung tâm Paris 03 dặm. Hiện nay, những chiếc rương hòm của công ty vẫn được làm ra ở đây. Nhà máy này cũng trở thành ngôi nhà của gia đình Louis Vuitton khi ông cho xây dựng ở đây hai căn villa – một cho ông và một cho con trai ông Georges – người đã bắt đầu tiếp quản công ty vào năm 1892 khi ông qua đời và bắt đầu mở rộng công ty ra toàn cầu.
Chinh phục thế giới bằng monogram canvas
Georges đã được gửi tới học tiếng Anh ở một trường ở Jersey, Mỹ và cũng đã mở cửa hàng đầu tiên của công ty ở nước ngoài tại 289 Oxford Street, London. Tuy nhiên, khi họ chuyển tới London, thời thế đã không thuận lợi được như lúc họ tới Paris. Kết quả là địa chỉ đầu tiên của Louis Vuitton ở Paris hiện vẫn đang là cửa hàng sành điệu nhất thế giới. Trong khi đó, địa chỉ đầu tiên của Louis Vuitton ở London giờ thuộc về người khác. Nhớ lại, doanh số của Louis Vuitton ở thời điểm đó ở London rất đáng buồn. Một vài năm sau, một cửa hàng khác của hãng đã được khai trương ở phố Bond – ngay đối diện với Maison Louis Vuitton hiện nay.
Chính từ đây, công ty bắt đầu chinh phục thế giới. Năm 1889, công ty giới thiệu chất liệu canvas mới hội chợ Exposition Universelle ở Paris. Đây cũng chính là hội chợ mà người ta lần đầu tiên giới thiệu tháp Eiffel. Sự thành tựu của những chất liệu canvas trước đó như Trianon đã dẫn tới một cơn bùng nổ hàng nhái vì vậy thiết kế được hãng giới thiệu trong hội chợ lần này bao gồm các đặc điểm nhận diện thương hiệu đã được đăng ký bản quyền – một trong những ví dụ rất sớm về việc xây dựng thương hiệu. Những ô vuông màu nâu và beige thay thế và lặp lại được gọi là Damier (từ này trong tiếng Pháp là kẻ ca rô). Chất liệu và phát kiến này đã được trao huy chương vàng trong hội chợ triển lãm và kể từ khi được giới thiệu lại vào năm 1996, nó đã trở thành một trong những nhận diện đặc trưng nhất của Louis Vuitton.
Năm 1890, Louis Vuitton đăng ký bản quyền một mẫu khóa lẫy và khóa lẫy này tới nay vẫn được hãng sử dụng. Georges Vuitton chính thức công khai thách thức nhà ảo thuật, “vua trộm” lừng danh Harry Houdini bẻ gãy nó. “Thưa ông, tôi tin rằng ông có một hộp đồ nghề đã được chuẩn bị cho mục đích này và tôi lấy làm vinh hạnh đưa ra một thách thức nhỏ với ông. Đó là tìm cách thoát khỏi chiếc hộp được tôi làm ra sau khi đã bị nhốt vào bởi một trong những nhân viên của tôi.” Không ai biết Houdini đã phúc đáp lại là gì.
Chất liệu Monogram canvas được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1896. Và tới năm 1914, Vuitton đã khai trương cửa hàng rương hòm lớn nhất lúc bấy giờ ở đại lộ Champs-Élysées, khẳng định Louis Vuitton là thương hiệu phụ kiện du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Louis Vuitton là sự lựa chọn của các hoàng tử Ấn Độ, các triệu phú và các ngôi sao điện ảnh. Thương hiệu Pháp có thể đáp ứng mọi mong muốn của khách hàng cho các chuyến đi của họ, từ những chiếc rương với các cơ chế phức tạp chỉ để đựng những cây gậy đánh polo tới chiếc bàn Secretary, được hoàn thiện với các ngăn tủ, chiếc bàn có thể gấp mở và một chiếc máy đánh chữ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn du lịch nhẹ nhàng, Louis Vuitton cũng có mẫu túi Keepall vào năm 1930. Đây là hình mẫu cho chiếc túi đựng tất cả trong nó hiện nay. Keepall giờ vẫn là mẫu túi được yêu thích nhất thế giới.
Tới khi Louis Vuitton vừa tròn 100 năm tuổi vào năm 1954, họa tiết Monogram đã là một trong những logo dễ nhận biết nhất thế giới. Thậm chí họa sỹ nổi tiếng Salvador Dali đã lấy cảm hứng từ đây để tạo ra “Daligram” của riêng mình. Các khác hàng nổi tiếng trong thời kỳ này gồm Georges Simenon, công tước và nữ công tước Windsor, Christian Dior, Hubert de Givenchy, Charles Aznavour, Luchino Visconti, Kirk Douglas, và còn rất rất nhiều những cái tên khác. Vào năm 1959, công ty đã giới thiệu chất liệu canvas họa tiết Monogram rất tinh tế được bọc PVC – chất liệu này sau đó đã trở thành dấu hiệu nhận biết của thương hiệu.
Vẫn là một công ty gia đình, năm 1984, công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Paris Bourse. Tại thời điểm này, Louis Vuitton đã sở hữu một loạt các thương hiệu xa xỉ khác như Givenchy, Veuve Clicquot và Loewe, và ba năm sau thương hiệu này hợp nhất với thương hiệu đồ uống khổng lồ để tạo ra cái mà chúng ta biết vào ngày hôm nay, tập đoàn xa xỉ LVMH.
Trái tim của Louis Vuitton: Nơi sinh ra những chiếc rương đặc biệt
Trong hơn 1,5 thế kỷ, xưởng may Asnières của Louis Vuitton ở ngoại ô Paris đã tạo ra vô số tác phẩm đặc biệt theo mong muốn và nhu cầu cụ thể của khách hàng. Không có giấc mơ nào quá lớn hay đối tượng nào quá phức tạp. Từ chiếc “Trunk Bed” nổi tiếng của nhà thám hiểm Pierre Savourgnan de Brazza cho chuyến thám hiểm của ông vào năm 1905, hay những công trình trang nhã, tinh tế hơn để đựng váy, bộ quần áo hoặc đồ vệ sinh cá nhân cho một số tên tuổi quyến rũ nhất đầu Thế kỷ 20, từ Jeanne Lanvin đến Paul Poiret. Những bộ óc thiên tài và nhà văn vĩ đại cũng đến Louis Vuitton để đặt hàng những chiếc rương tùy chỉnh để đựng sách và dụng cụ viết của họ, trong đó có Ernest Hemingway và Françoise Sagan. Sự hợp tác với các nghệ sĩ và bộ óc sáng tạo đã mang lại những dự án ngoạn mục, cho dù là chiếc rương sơ cứu hình con bướm của Damien Hirst,” Studio in a Trunk” của Cindy Sherman hoặc “Boxing Trunk” có thể đóng gói của Karl Lagerfeld cho sự hợp tác Celebrating Monogram năm 2014.
Ngày nay, xưởng may Asnières tiếp tục sản xuất các đơn đặt hàng đặc biệt cho hành lý có mặt cứng và nhiều sản phẩm thương hiệu để thể hiện Nghệ thuật sống của nhà mốt Pháp, từ những chiếc rương đựng đồ lớn hơn, rương đựng cocktail, đồng hồ và rương đựng nước hoa cho đến những món đồ tinh tế hơn như các hộp chơi game và hộp đựng phụ kiện khác nhau.
Vẻ đẹp vượt thời gian của những chiếc rương Louis Vuitton
Rương là cánh cổng dẫn đến một thế giới nơi trí tưởng tượng không có giới hạn. Mỗi chiếc rương mở ra một cõi huyền diệu, mời gọi bạn dấn thân vào một cuộc hành trình phi thường của tâm trí.
Với những chiếc rương Louis Vuitton, bạn không chỉ mang theo hành lý; bạn đang mang trong mình những ước mơ, những câu chuyện và những khả năng vô tận. Khi tìm hiểu sâu hơn về những chiếc rương đáng chú ý này qua các thời đại, chúng ta sẽ khám phá ra những thế giới đầy mê hoặc mà chúng chứa đựng bên trong.