Stella McCartney, với người cha nổi tiếng của ban nhạc huyền thoại Beatles – Paul McCartney, tưởng chừng như sẽ có một thảm đỏ trải đầy hoa hồng trên mỗi bước đường sự nghiệp, nhưng như bao nhà thiết kế khác, Stella cũng từng mắc sai lầm, chịu sự chỉ trích của giới phê bình, và đối diện với những thử thách chông gai, trước khi đạt tới vị trí thành công ngày hôm nay.
Con đường đến với thời trang
Ngay từ nhỏ Stella đã được tiếp xúc với thời trang cao cấp và bộc lộ niềm đam mê bất tận. Đến năm 13 tuổi, Stella bắt đầu tự may quần áo cho mình. Ba năm sau, cô được nhận vào thực tập với NTK tài năng Christian Lacroix và sau đó theo học và tốt nghiệp Central Saint Martins, ngôi trường hàng đầu thế giới về thời trang. Bài tốt nghiệp của Stella McCartney được trình diễn bởi những người bạn thân thiết của cô như Kate Moss, Yasmin Le Bon, Naomi Campbell và đã nhận được những sự ủng hộ ban đầu từ phía các nhà phê bình. Bộ sưu tập này sau đó nhanh chóng được boutique Tokio tại London cũng như được một số trung tâm mua sắm lớn như Browns, Bergdorf Goodman, Joseph và Neiman Marcus đặt mua. McCartney tiếp tục làm một thứ khác mà cô đã thừa hưởng từ cha mẹ mình – nhấn mạnh vào quyền động vật và sức khỏe hành tinh – những nguyên lý cốt lõi trong cách tiếp cận thiết kế của cô vào thời điểm mà những mối quan tâm như vậy là xa lạ với hầu hết ngành công nghiệp thời trang.
Vào năm 1997, Stella được mời vào vị trí NTK chính cho thương hiệu Chloé, kế nhiệm cho “huyền thoại” Karl Lagerfeld. Trước quyết định bổ nhiệm này của hãng, Karl đã không ngần ngại bày tỏ sự nghi ngờ: “Chloé cần một tên tuổi lớn, nhưng họ đang dùng một tên tuổi lớn trong âm nhạc chứ không phải thời trang.” Giống như Karl, nhiều người cũng đã đặt giả thuyết rằng Mounir Moufarrige, người mời Stella về Chloé lúc bấy giờ, đã tính toán đến việc tên họ nổi tiếng của Stella sẽ có lợi như thế nào. Mounir cũng là người nhiều năm sau đã bổ nhiệm Lindsay Lohan vào vị trí “cố vấn nghệ thuật” cho Ungaro và tạo ra một thảm họa chưa từng có cho thương hiệu này. Nhưng, với Stella McCartney thì Mounir đã có một lựa chọn đúng đắn. Trong 4 năm với vị trí nhà thiết kế chính, Stella đã dần đưa Chloé trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích nhất tại Paris.
Bước khởi đầu gian nan
Năm 2001, Stella McCartney quyết định quay lại London thành lập thương hiệu riêng với sự hậu thuẫn của PPR (tập đoàn xa xỉ phẩm sở hữu Gucci, Yves Saint Laurent…) bất chấp sự nghi ngờ của ban giám đốc tại Chloé rằng Stella sẽ thất bại vì từ trước tới nay chưa có NTK nữ người Anh nào thành công trên đất nước Anh cả. Sự nghi ngờ ấy đúng là có cơ sở khi BST đầu tiên của cô, tuy có rất nhiều tên tuổi lớn đến tham dự nhưng lại không nhận được sự phản hồi tốt của giới phê bình. Các mẫu thiết kế được đưa ra trình diễn trong BST này thậm chí còn được miêu tả bằng từ ngữ không mấy đẹp đẽ như “thảm hoạ”, “rẻ tiền”.
Cũng trong năm 2001, cái tên Stella McCartney lại xuất hiện trong một danh sách không được trông chờ khác là Danh sách Ăn mặc xấu nhất với bộ váy dành cho Kate Hudson tại lễ trao giải Oscar năm 2001. Hiếm có trường hợp nào bộ váy do chính NTK lựa chọn và cắt may riêng cho một ngôi sao trên thảm đỏ lại nhanh chóng được cho vào Danh sách Ăn mặc xấu nhất như trường hợp này của Kate Hudson. Chuyện này vẫn được nhắc lại như một câu chuyện đùa với Stella sau khi cô đạt được thành công ngày hôm nay.
Phong cách mang tên Stella McCartney
Cuối cùng, với tầm nhìn và tính cách mạnh mẽ, các thiết kế của Stella dần dần chiếm được cảm tình của giới thời trang. Stella McCartney là một NTK đặc biệt, không chỉ từ cái tên, mà còn từ phong cách làm việc và phong cách thiết kế. Trong thế giới ngập tràn tín đồ của các loại chất liệu da, Stella McCartney là thương hiệu duy nhất hoàn toàn không sử dụng da thật hay lông thú cho phụ kiện của mình. Là một người ăn chay và ủng hộ động vật, Stella xác định rất rõ con đường của mình ngay từ đầu nên các mẫu thiết kế của cô không vì thế mà giảm giá trị, ngược lại còn rất được yêu thích như dòng túi Falabella với đường dây xích viền quanh ra mắt năm 2011.
Giữ vai trò người mẹ của bốn đứa con nhỏ, Stella ngập chìm trong công việc nhưng cô luôn đề cao tầm quan trọng của việc cân bằng giữa cuộc sống và sự nghiệp. Văn phòng của cô trở thành một nơi làm việc lý tưởng dành cho các bà mẹ khi thời gian làm việc được phân bổ rất linh động và tổ chức hợp lí để tất cả đều có thể rời khỏi văn phòng sau 6:30 tối.
Những thiết kế mang thương hiệu Stella McCartney cũng phản ánh phong cách sống này của cô. Quần áo của Stella không hẳn là một sự đột phá mới về thiết kế mà chỉ đơn giản là việc đẩy một xu hướng nhất định theo phong cách riêng. Nếu nói về việc sáng tạo mang tính chất khai phá thì thời trang của Stella McCartney không có gì nổi bật, nhưng khi đánh giá đến đường cắt hay kỹ thuật của từng mẫu thiết kế với phong cách thanh lịch nữ tính mà vẫn mang nét cá tính riêng thì không phải ai cũng có thể đạt được những gì Stella đã làm với thương hiệu của mình. Thiết kế của Stella dành cho những người phụ nữ hiện đại, bận rộn, không cần tốn quá nhiều thời gian cho việc chọn trang phục nhưng vẫn có dấu ấn nhất định.
Năm 2012 được cho là năm của Stella McCartney khi cô đạt được rất nhiều cột mốc quan trọng. Đầu tiên là việc thiết kế trang phục cho đội tuyển Olympic của Anh, tiếp đó là việc dòng sản phẩm thiết kế riêng cho Adidas của Stella đã đủ mạnh để được đặt trong cửa hàng riêng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một NTK hàng đầu được chọn để thiết kế tất cả các loại trang phục cho đội tuyển quốc gia Anh mặc trong toàn bộ thời gian của Thế vận hội, bao gồm 590 trang phục dành cho việc thi đấu, tập luyện, lễ đăng quang nhận huân chương. Sự hợp tác giữa Adidas và Stella McCartney thành công đến tận hôm nay.
Thành công hiện tại
Không độc hại, không sử dụng da hay lông thú, ưu tiên sử dụng len tái cấu trúc, len có nguồn gốc đạo đức, bông hữu cơ và vải tái chế là tuyên bố đã được Stella McCartney duy trì kể từ ngày thành lập thương hiệu vào đầu những năm 2000. Bên cạnh những thiết kế hiện đại, toát lên vẻ tự tin cho phụ nữ, nhà thiết kế đến từ Anh Quốc cũng là một trong những người tiên phong trong việc sử dụng chất liệu thay thế và công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường trong các sản phẩm của mình. Stella McCartney cũng luôn tích cực tìm kiếm các giải pháp để giải quyết những vấn đề mà thời trang đang ảnh hưởng đến môi trường. Vào năm 2014, Stella McCartney đã giới thiệu Clevercare – hệ thống đơn giản gồm 05 bước để giúp người tiêu dùng chăm sóc và kéo dài tuổi thọ cho các bộ trang phục của mình. Gần đây, Stella McCartney cũng tuyên bố sẽ thay thế các túi nhựa bằng eco plastic – nhựa hữu cơ – một chất liệu phân hủy nhanh hơn và an toàn hơn với môi trường. “Chúng tôi xem xét những tác động đối với môi trường tại mọi thời điểm trong quá trình sản xuất,” đại diện của thương hiệu chia sẻ. Có thể nói, sau 20 năm, điều mà Stella McCartney mang đến cho giới mộ điệu không chỉ là một thương hiệu thời trang với những thiết kế độc đáo mà còn tạo ra một thương hiệu bên vững, thân thiện với môi trường.
Là một người ăn chay trường suốt đời, McCartney chưa bao giờ sử dụng da hoặc lông động vật trong bất kỳ bộ sưu tập nào của mình. Trước đây, quyết định chủ yếu là do cô yêu động vật, nhưng McCartney gần đây đã thẳng thắn nói về tác hại môi trường của quá trình xử lý da (thường đòi hỏi các hóa chất độc hại đối với con người và hành tinh) và việc nuôi động vật để làm thực phẩm và thời trang. “Sự cống hiến của chúng tôi đối với thời trang bền vững đã đưa chúng tôi đến với BOLT Threads, một công ty công nghệ sinh học đột phá, để tạo ra thế hệ vật liệu cao cấp tiên tiến tiếp theo. Đầu tiên chúng tôi đặt mục tiêu vào một loại lụa thuần chay, loại lụa mà BOLT có thể tạo ra bằng cách sử dụng men. Theo định hướng của giải pháp, quá trình này làm giảm ô nhiễm, tạo ra sự bền vững lâu dài và luôn không có sự tàn ác.” Stella McCartney cho biết.
Tháng 3 năm nay, Stella McCartney đã giới thiệu những bộ quần áo đầu tiên làm bằng Mylo, “Da” thay thế được trồng từ nấm. Vật liệu mới được làm từ sợi nấm này là một bước đột phá khác trong việc tạo ra thế hệ vật liệu tiên tiến tiếp theo và hàng dệt may tiên tiến. Mylo trông giống như da được làm thủ công. Nó có cảm giác dẻo dai, tự nhiên và mỗi tấm đều có độ dày khác nhau, làm cho mỗi sản phẩm trở thành độc nhất vô nhị. Sợi nấm bao gồm hàng tỷ tế bào tạo thành lưới 3D trên quy mô vi mô. Nó tạo thành mạng lưới sợi lớn giúp tái chế chất hữu cơ trên nền rừng đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây cối. Các mạng lưới tơ nấm đan chéo nhiều chiều tự lắp ráp thành một ma trận có thể bao trùm hàng kilomet vuông. Điều này rất quan trọng đối với hệ sinh thái của chúng ta và có thể tái tạo vô hạn, và trở thành thành phần lý tưởng cho một vật liệu sáng tạo như Mylo. Vật liệu giống như da này được tạo ra bằng cách kết hợp các tế bào sợi nấm với chất nền là thân cây ngô và các chất dinh dưỡng. Trong 10 ngày, các tế bào phát triển thành chất nền, tạo ra một khối liên kết với nhau có thể tạo thành hầu hết mọi kích thước. Chất lượng của nguyên liệu tạo thành phụ thuộc vào các yếu tố như môi trường, chất dinh dưỡng và cách nó thuộc da. Các nhà sáng chế tránh việc sử dụng các hóa chất độc hại trong quá trình chết vật liệu Mylo.
BST Stella McCartney Thu Đông 2021/22
Trước đại dịch, cô đã mua lại công ty của mình từ Kering, tham gia quan hệ đối tác mới với LVMH và nhận thấy mình đang ở giữa cuộc cách mạng khí hậu toàn cầu với tư cách là người đi đầu trong ngành. “Công việc kinh doanh đang trải qua một quá trình chuyển đổi, điều này đã thấm đến từng hơi thở của tôi. Những thay đổi đó kết hợp với những thay đổi do COVID mang lại là một khoảnh khắc hiển nhiên,” cô nói. “Bây giờ, tôi muốn nó giống như một khởi đầu mới cho thương hiệu; một sự tái sinh.”
“Tuổi trẻ có một sự không sợ hãi và mới mẻ. Bạn cảm thấy ít được tự do hơn khi bạn già đi. Thương hiệu này còn quá trẻ về nhiều khía cạnh – hệ thống niềm tin của nó, cách chúng tôi không hướng đến bất cứ điều gì theo cách thông thường – và tôi cũng yêu quý tinh thần của những gì tôi làm trong lĩnh vực thời trang.”
Cái tên Stella McCartney cũng trở thành thương hiệu thời trang được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong danh sách Google Zeitgeist. Và quan trọng hơn cả, Stella McCarney đã giành giải thưởng “kép” dành cho Nhà thiết kế của năm và Thương hiệu của năm tại lễ trao giải Giải thưởng thời trang Anh Quốc. Từ “cái bóng” của người cha huyền thoại, đến những vấp ngã ban đầu, Stella dần dần đã tạo ra một hình ảnh mới cho bản thân mình – hình tượng của phụ nữ thế kỷ mới – năng động, tự tin, quyết đoán, luôn có ý thức và trách nhiệm với cuộc sống xung quanh. Stella đã thực sự trở thành một niềm tự hào mới của thời trang và con người Anh Quốc.