#Fashion’s Story: Givenchy “Cổ tích đương đại”

0
11

Được sáng lập bởi Hubert de Givenchy và hiện tại vẫn đang là thành viên của Chambre Syndicae de la Haute Couture et du pret-a-porter, Givenchy là một trong những bài toán khó hiểu nhất của làng thời trang khi có tuổi đời chỉ vài chục năm nhưng những gì mà thương hiệu này đang làm cho thấy đẳng cấp của một trong những anh cả của làng nghề khâu may!

Là một thương hiệu thời trang có tuổi đời không quá lớn nhưng rất nhiều người ấn tượng về Givenchy như một thương hiệu với cả trăm năm lịch sử. Không ngoa khi nói, Givenchy đã tìm ra cách phủ lên mình một lớp bụi cổ tích, cũ kỹ mà xa hoa, lâu đời mà ngạo nghễ. Givenchy giống như một thế giới huyền bí mà ai cũng muốn khám phá, muốn tìm tòi và có lẽ chính vì vậy mà càng giúp bán được nhiều hàng hơn.

HUBERT DE GIVENCHY: NGƯỜI SÁNG TẠO

Một sự trùng lập khá thú vị, người sáng lập thương hiệu Givenchy: Hubert de Givenchy là một người có tổ tiên là người Ý; và người đang viết tiếp những trang sử của thương hiệu Riccardo Tisci cũng là một người Ý. Hubert de Givenchy là con trai của một gia đình có nguồn gốc của một dòng tộc di cư từ Venice, Ý. Do bố của ông mất sau khi Hubert de Givenchy mới 03 tuổi, ông và anh trai đã được mẹ và bà ngoại nuôi dưỡng. Bà ngoại của ông là bà quả phụ Marguerite Dieterle Badi, vợ của Jules Bardin – một nghệ sỹ, đồng thời là chủ sở hữu và là giám đốc điều hành của các nhà máy sản xuất thảm. Có thể nói Hubert de Givenchy đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường thấm đẫm nghệ thuật. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp ông sau này có thể hoà trộn những yếu tố hiện đại và cổ điển trong cùng một thiết kế.

Năm 1937, sự kiện World’s Fair ở Paris đã thực sự gây ấn tượng với ông – tới mức cậu bé 10 tuổi Hubert de Givenchy khi đó đã đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời mình: “sẽ phải làm một cái gì đó trong lĩnh vực thiết kế thời trang.” Bước tiếp theo là ông tới học ở trường École des Beaux-Arts (Trường Mỹ Thuật). Đây có thể nói là trường mỹ thuật nổi tiếng nhất Pháp và châu Âu khi một danh sách những hoạ sỹ như Géricault, Degas, Delacroix, Fragonard, Ingres, Monet, Moreau, Renoir, Seurat, Cassandre, và Sisley. Rodin từng được đào tạo tại đây. Thiết kế đầu tiên của Hubert de Givenchy là cho thương hiệu Jacques Fath – một thương hiệu rất nổi tiếng thời đó. Jacques Fath là một trong 03 cái tên được xem là lực lượng có ảnh hưởng to lớn của thời trang Pháp cao cấp (Haute Couture) thời Hậu Chiến. Tiếp theo đó, Hubert de Givenchy tiếp tục thiết kế cho Robert Piguet và Lucien Lelong – mặc dù hiện nay không mấy người biết tới nhưng tại thời điểm đó những cái tên này chẳng khác gì những thương hiệu lớn nhất hiện nay. Trong giai đoạn này, chàng thanh niên trẻ tuổi Hubert de Givenchy còn làm việc cho Pierre Balmain và Christian Dior. Từ 1947-1951, Hubert làm việc cho nhà thiết kế tiên phong Elsa Schiaparelli.

Năm 1952, Hubert de Givenchy chính thức mở cửa tiệm thiết kế của riêng mình ở Plaine Monceau, Paris. Bộ sưu tập đầu tiên của ông được đặt tên theo nghệ danh của một người mẫu rất nổi tiếng lúc bấy giờ Bettina Graziani. Bà cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo trong giai đoạn đầu của ông. Ngay lập tức, những thiết kế của ông được giới mộ điệu của Paris ưa chuộng bởi tính chất cách tân, sáng tạo, đương đại hoàn toàn trái ngược với những gì bảo thủ của Dior. Hubert de Givenchy chính thức trở thành Hoàng Tử Bé của giới thời trang Paris. Có một điểm mà Hubert de Givenchy và Chanel giai đoạn đầu khá giống nhau là các chất liệu được sử dụng trong các bộ sưu tập đầu tiên đều là các chất liệu rẻ tiền do hạn hẹp về tài chính. Nhưng bù lại các thiết kế đều rất sáng tạo, ấn tượng và làm lay động giới mộ điệu.

Audrey Hepburn và Hubert de Givenchy ở Paris, 1982, Nhiếp ảnh của Jacques Scandelari, với sự cung cấp của Hubert de Givenchy

Sau này, Audrey Hepburn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của Hubert de Givenchy khi ông gặp người đẹp của mọi thời đại khi cô đang quay bộ phim Sabrina. Ông thậm chí phát triển bộ sưu tập đầu tiên của mình cho Audrey (L’Interdit and Le de Givenchy). Cũng trong chính khoảng thời gian này Givenchy gặp được thần tượng của mình, người sẽ có ảnh hưởng tới những thiết kế sau này của ông Cristóbal Balenciaga. Chính Cristóbal Balenciaga là người đã khuyên Givenchy phát triển giấy phép kinh doanh trong những năm 1970 nhằm bảo vệ “trái tim” của thương hiệu: các bộ sưu tập thời trang cao cấp Haute Couture. Thậm chí ngay cả đến cửa hàng của Givenchy cũng ở đối diện cửa hàng của Balenciaga. Các bộ sưu tập của Givenchy cũng được giới thiệu cùng một thời điểm với Balencia.

Audrey mặc chiếc váy đen huyền thoại trong phim Điểm tâm ở Tiffany’s vào năm 1961

Mặc dù là một nhà thiết kế trứ danh nhưng Hubert de Givenchy không chỉ tìm kiếm cảm hứng từ lĩnh vực thời trang cao cấp mà còn tìm kiếm nguồn cảm hứng của mình từ những bối cảnh mang tính tiên phong trong lĩnh vực thời trang như cửa hàng Limbo ở East Village ở Manhattan. Năm 1954, bộ sưu tập may sẵn của Givenchy được giới thiệu. Năm 1969, dòng sản phẩm dành cho nam giới của Givenchy Gentleman Givenchy chính thức được giới thiệu. 10 năm sau, Hubert de Givenchy được bình chọn là Người đàn ông thanh lịch của năm.

JOHN GALLIANO

Sau tất cả những thành tựu mà Hubert de Givenchy mang tới cho thương hiệu mang tên ông: năm 1982, Audrey Hepburn đã tham gia tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập thương hiệu cho Givenchy tại trường đại học Fashion Institute of Technology of New York; Givenchy vẫn bị LVMH mua lại. Năm 1995, Hubert de Givenchy chính thức tuyên bố giải nghệ và người kế vị của ông là John Galliano.

Mặc dù thời gian ở lại với Givenchy của John Galliano rất ngắn, chỉ chưa đầy 02 năm nhưng những gì mà John Galliano để lại cho giới mộ điệu là một ấn tượng sâu sắc về một thương hiệu cao cấp, một khả năng sáng tạo siêu việt, một đẳng cấp sang trọng.

ALEXANDER MCQUEEN

Một cái tên rất nổi tiếng nữa cùng từng làm việc cho Givenchy là Alexander McQueen. Mặc dù vậy phải nói rằng có vẻ Givenchy và McQueen không hợp duyên cho lắm. Sự bổ nhiệm McQueen thay John Galliano của ngài chủ tịch LVMH, Bernard Arnault thậm chí còn gây ra một sự xáo động nhỏ. Tới thương hiệu Givenchy, McQueen đưa ra tuyên bố mang đầy tính kích động với người sáng lập thương hiệu và gọi ông là “không thích hợp”. Bộ sưu tập đầu tay của McQueen cho Givenchy là một sự thất bại tới mức chính McQueen cũng phải thừa nhận với Vogue là “rác rưởi.”

Tuy nhiên, cũng không thể nói rằng McQueen không mang tới cho Givenchy bất kỳ thứ gì. Thực tế, thứ mà McQueen mang tới cho Givenchy là một sự phá cách nổi loạn tới không tưởng. Dưới thời của McQueen, Givenchy có show diễn với người mẫu hỏng chân Aimee Mullins đeo chân giả bằng gỗ.

Cũng dưới thời của McQueen, trong show diễn cao cấp của Givenchy, người mẫu được xịt sơn ngay trên đường bằng catwalk. Tất cả những ý tưởng này đầy nổi loạn, đầy sáng tạo và dù sau này nhiều người cho rằng nó không hợp với Givenchy nhưng không ai có thể phủ nhận nó là một phần lịch sử của thương hiệu. McQueen ở lại với Givenchy cho tới năm 2001 khi hợp đồng mà theo McQueen nhận xét là “kìm hãm sự sáng tạo” kết thúc.

JULIEN MCDONALD

Bổ nhiệm Julien McDonald thay thế McQueen của ông chủ của tập đoàn LVMH, Bernard Arnault cũng là một ngạc nhiên lớn đối với mọi người. Tuy nhiên, bộ sưu tập đầu tiên của Julien McDonald đã không làm phụ lòng sự trông đợi của ngài Arnault. Bộ sưu tập đã được đánh giá rất cao bởi giới mộ điệu. Các bộ sưu tập của Julinen McDonald thực hiện cho Givenchy trong các năm 2001, 2003 và 2004 đều được đón chào. Nhưng cuối cùng thì Julien McDonald vẫn không làm được kỳ tích cho thương hiệu Givenchy như Hubert de Givenchy đã làm.

Có lẽ điều này là do bởi Julien McDonald cũng giống như John Galliano, Alexander McQueen đều ở trong cái dớp những nhà thiết kế người Anh không thể làm ra kỳ tích với một thương hiệu Ý. Chỉ tới sau Julien McDonald khi Givenchy được lãnh đạo bởi Riccardo Tisci, Givenchy mới một lần nữa lấy lại được ánh dương quang vốn có của nó.

RICCARDO TISCI

Là một người Ý nhưng Riccardo Tisci vẫn có những ảnh hưởng nhất định từ thời trang Anh khi được đào tạo bởi trường Central Martins. Tisci có một mối quan tâm đặc biệt dành cho chủ đề Gothic và phong cách tối giản của những năm 1960 (Spaceage minimalism). Hai phong cách này được Tisci lựa chọn làm 02 hướng cho 02 dòng sản phẩm thời trang hiện đại của Givenchy. Trong đó, phong cách Gothic là dành cho dòng sản phẩm thời trang cao cấp Haute Couture. Còn Spaceage minimalism là dành cho dòng thời trang may sẵn.

Quả thực Riccardo Tisci đã biến Givenchy trở thành một thương hiệu của những chữ nhất. Givenchy là thương hiệu đầu tiên sử dụng người mẫu androginy (người mẫu nam giả nữ), là thương hiệu đầu tiên đưa ra những khái niệm couture mới khi hạn chế số lượng mẫu thiết kế và số lượng người được mời tới mức tối thiểu. Và cũng chỉ với Tisci, Givenchy mới tìm được một nhà thiết kế có thể quên mình, giới hạn những cá tính bản thân để có thể hoà hợp với DNA của thương hiệu.

Tisci cũng là người giúp Givenchy có những mẫu áo T-shirt và khăn quàng được thực hiện với phiên bản giới hạn. Cũng với dưới thời của Tisci, khách hàng đã có thể mua hàng qua các ứng dụng trên mạng!

CLARE WAIGHT Kchúng tôiR

Là người phụ nữ đầu tiên trở thành giám đốc nghệ thuật của Givenchy, nhà thiết kế người Anh đã nâng niu những giá trị di sản của thương hiệu và mang lại cho nó một sức sống mới. Chỉ trong thời gian ngắn, Clare Wraight Keller đã nâng tầm các bộ sưu tập thời trang cao cấp của nhà mốt cũng như mang lại cho nhãn hiệu xa xỉ quốc tế bằng cách thiết kế váy cưới cho Nữ công tước xứ Sussex mặc trong đám cưới của cô với Hoàng tử Harry vào năm 2018. Dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Clare Wraight Keller và sự hợp tác tuyệt vời với các xưởng may và đội ngũ của mình, thương hiệu đã kết nối lại với các giá trị sáng lập của Hubert de Givenchy và cảm giác thanh lịch bẩm sinh của ông.

Bộ sưu tập cuối cùng của cô cho nhà mốt là bộ sưu tập thu đông 2020, được giới thiệu trong Tuần lễ thời trang Paris vào tháng Ba.

MATTHEW M. WILLIAMS

Matthew Williams là NTK streetwear thứ hai trên thế giới được lựa chọn để đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo của một nhãn hiệu thời trang xa xỉ là Givenchy. Với nguồn cảm hứng được lấy từ nền văn hóa đương đại, kết hợp cùng tầm nhìn cá nhân hóa mọi thứ, bổ sung thêm vào đó những yếu tố cao cấp, anh đã tạo nên thương hiệu thời trang của riêng bản thân là “1017 ALYX 9SM”.

Tiếp nhận vị trí giám đốc sáng tạo tại Givenchy cho cả hai mảng thời trang nam và nữ từ tháng 6 năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, đó quả thực là một thách thức cho Matthew M. Williams ở cương vị mới này.

Ngoài ra, định hướng phát triển bền vững của Williams sẽ là một lợi thế cực kỳ lớn dành cho Givenchy. Ngày nay, khi toàn thế giới đang chung tay bảo vệ môi trường thì giới mộ điệu cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, họ đòi hỏi các sản phẩm thời trang hạn chế rác thải, nguồn vật liệu sạch và không làm hại đến môi trường. Song song, tình hình kinh tế đi xuống do đại dịch Covid-19, người mua sắm dần chuyển hướng sang các sản phẩm với tuổi thọ lâu dài, đây là một điểm mạnh ở những thiết kế của Williams.

Vào tháng 10/2020, bộ sưu tập đầu tiên của Williams tại Givenchy được ra mắt trực tuyến dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Giống như những gì đã làm ở “1017 ALYX 9SM”, ở Givenchy, Williams đã nghiên cứu kỹ các tham chiếu của Givenchy để tìm ra nguồn cảm hứng và mang lại cho chúng những phong cách mới mẻ. Lấy ví dụ như một số đôi giày cao gót sừng dưới thời Lee McQueen, và giữ nguyên những mã gen của Hubert de Givenchy. Việc tập trung vào sản phẩm dường như là một quá trình không thể bỏ qua được đền đáp ở độ chính xác của thiết kế rõ ràng khiến người ta phải thèm muốn ngay lập tức: các slide hình nấm, đôi bốt da đen lịch sự, những chiếc túi hiện có được phóng đại (một số được trang trí bằng những chiếc khóa khổng lồ) và tất cả các chi tiết dập nổi da croc mà thế hệ Gen Z có thể muốn.

Chắc chắn Givenchy và Williams sẽ tạo được những kỳ tích, hệt như việc Givenchy và Riccardo Tisci đã làm được trước đó với thời trang nữ.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận