Iran và Ba Tư là cùng một quốc gia, được gọi là Cộng hòa Hồi giáo Iran, một quốc gia tọa lạc tại Tây Á. Iran (tên chính thức là Cộng hòa Hồi giáo Iran) là quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông, có lịch sử văn hóa và chính trị rất phong phú. Iran có diện tích lớn, dân số đông đúc và nền văn hóa đa dạng, với cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số. Iran là quốc gia có nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu mỏ và năng lượng.
Tròn 5 ngày sau khi lực lượng Hamas của Palestine phát động cuộc tấn công vào Isreal sáng sớm ngày 7/10, tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Mehrabad. “Trung Đông lẫn Tây Á đang hừng hực như chảo lửa” chỉ là trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Còn ngay tại sân bay thủ đô Tehran, sau khi xác định tôi với tấm ảnh trên passport là một người, chàng hải quan điển trai đã nhanh chóng tìm tờ visa Iran in rời, kẹp trong cuốn, quét code rồi cho “thông quan”. Vậy là, tôi, ở thế kỷ 21, đã đến vùng đất Ba Tư vào năm thứ 23 của thiên niên kỷ thứ 3, năm thứ tư của thập niên 2020, mà hộ chiếu của tôi không hề ghi nhận gì về điều này. Thậm chí một con dấu đóng trên tờ visa cũng không có. Kỳ diệu làm sao.
Một quốc gia hai loại tiền dùng niên lịch riêng
Đất nước bị cấm vận sẽ có diện mạo gì? Dân trí thấp, văn hóa thiếu thốn, đời sống nghèo nàn, con người nhếch nhác, tiện nghi lạc hậu, hay hạ tầng cơ sở bê bết? Vậy thì Iran sẽ làm bạn thất vọng.
Bảng chỉ dẫn các chuyến bay tại sân bay hiển thị hơn chục hãng hàng không nội địa Iran. Tất cả máy bay đều là dòng Boeing, cho thấy ngành công nghiệp hàng không quốc gia không phải loại vừa. Đường vào trung tâm thủ đô, cũng như nội đô các thành phố lớn khác, đều kẹt xe hơi, trong khi tàu điện ngầm và xe buýt vẫn nhịp nhàng dù chẳng mấy ai sử dụng (bởi phương tiện cá nhân quá rẻ và quá dễ sở hữu). Đường quốc lộ, đường đèo, đường xuyên sa mạc hay hoang mạc đều là đường nhựa bon bon. Phong cách Âu-Mỹ tản mác mọi ngả đường, từ nhóm thanh niên trượt ván, đi xe đạp với quần skinny, giày sneakers, đến các em bé phục sức như búp bê, kể cả những người phụ nữ không thể giấu nổi đường nét mỹ nhân thời thượng sau lớp áo khoác và khăn choàng hijab. Không như Oman, Pakistan hay các quốc gia Trung Đông xung quanh, người Iran, đặc biệt giới trẻ, không chuộng ra đường với trang phục truyền thống mà không quên phối thêm phụ kiện. Tản bộ trên con phố tận 6 làn đường đi bộ thênh thang cửa hàng, quán ăn trong ánh sáng dịu dàng và âm nhạc đang thịnh hành ở cố đô Isfahan, khó có thể tưởng tượng dân tộc này đã bị cấm vận 40 năm. Không người ăn xin, không tiếng rao hàng hay chèo kéo, đời sống nhộn nhịp một cách thanh bình.
Bây giờ là tháng 1 năm 2024 (theo lịch Gregory) nhưng tờ lịch trên mỗi bàn làm việc, trong mỗi nhà người dân Iran sẽ hiển thị là năm 1402. Được tính toán thiên văn cho giờ Iran chuẩn kinh tuyến (52,5 ° E hoặc GMT + 3.5h), đây là lịch mặt trời Hijiri, một lịch dựa trên quan sát, không giống Dương lịch, dựa trên quy luật. Việc Iran sử dụng lịch riêng không phải bởi vì đất nước bị cấm vận. Thế giới Hồi giáo có lưu hành một loại lịch chung gọi là Hồi lịch (Islamic calendar), nhưng tùy theo quan sát và tính toán, hồi lịch của các nước đôi khi cũng lệch nhau vài ngày.
Iran chưa từng sử dụng Hồi lịch và không hề lạc hậu bất kỳ lĩnh vực gì, kể cả thời trang và công nghệ. Một đất nước được đồn thổi đã chế tạo thành công tên lửa, đương nhiên Internet cũng rất “này và nọ”; nhưng việc không thể kết nối các ứng dụng Facebook, Messenger, Google, Gmail, Maps… mà không vượt tường lửa chính là thực trạng của bị cấm vận. Rõ ràng hơn là sự trượt giá thảm hại của đồng Rial. Tất cả hiển hiện mồn một ngay khi bước qua hải quan sân bay.
Hầu hết quầy đổi tiền ở sân bay Tehran là tư nhân, hoạt động đồng thời với phe đổi tiền chợ đen. Hãy đổi một ít tiền ngay tại sân bay, và đừng cố gắng tìm kiếm ngân hàng. Ở Iran, ngân hàng không đổi tiền cho khách du lịch. Dù bạn may mắn bước vào ngân hàng trong giờ làm việc thì giao dịch viên cũng nồng nhiệt dẫn đường cho bạn đến chợ đen.
Sau 1 ngày ôm trong lòng 2 cọc tiền dày cỡ 2 hộp khăn giấy (mà thật ra chỉ có 50 Euro), tôi đã dựng được công thức chuyển đổi tiền tệ cực dễ nhớ dành cho người dốt toán: 1 triệu rials = 75.000 VND, 3 Euro = 1 triệu rials, 3 USD cũng 1 triệu rials. Quá rõ ràng, Iran là đất nước có mệnh giá tiền thấp nhất hành tinh. Nhưng mỉa may thay, sát vách nó lại là lãnh thổ sở hữu một trong những đồng tiền giá trị nhất thế giới hiện nay, đồng Dinar Kuwait.
Mẹo đếm tiền là vậy, còn thực tế xài tiền thì cứ đưa cả cọc cho người bán, muốn rút bao nhiêu tờ thì rút. Rắc rối trong mọi giao dịch ở đây không chỉ bởi đồng tiền trượt giá, mà còn bởi chính phủ cho phép giao dịch song song ngoại tệ với 2 loại tiền địa phương: Rial và Toman. Toman là loại tiền giấy mới in sau này, được lược bỏ bớt số 4 số 0 (0000). Ví dụ, mệnh giá 100.000 sẽ được in mới là 10. Tuy nhiên, vì vẫn phải sử dụng song song với tiền Rial (đầy đủ các số 0) nên tờ 10 Toman sẽ in thêm dòng chữ “One Hundred Thousand Rials” đi cùng với con số 100.000 nho nhỏ nằm ở một góc tờ tiền.
Có thể thấy, trượt giá từ hệ quả bị cấm vận không hề ảnh hưởng đến sự vận hành trơn tru của hệ thống tiền bạc cũng như đời sống văn hóa xã hội của vùng đất giàu lịch sử giao thương tại vị trí bản lề Á – Phi – Âu đắc địa trên Con đường Tơ lụa.
BA TƯ Ở ĐÂU TRONG LÒNG IRAN?
Sở hữu gần như mọi kiểu địa hình, từ sa mạc, hoang mạc, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên, biển cả, kể cả dãy núi tuyết, Iran không khỏi làm người ta liên tưởng đến những khung cảnh bao la, rộng lớn đóng vai trò chính trong các câu chuyện thần thoại Ba Tư mà thế giới hay gọi Nghìn Lẻ Một Đêm. Nhưng thủ đô Tehran của Iran hiện đại không hề có chút gì khiến người ta liên tưởng đến đời sống ly kỳ, đầy màu sắc huyền bí, ma mị của Nghìn Lẻ Một Đêm, mặc dù người dân Iran tự hào với nguồn cội Ba Tư, thích tự gọi và được gọi là Persian.
Chiếc sim 4G trị giá 2 triệu Rials mua tại sân bay không phải lúc nào cũng nhảy được qua tường lửa. Trừ thủ đô Tehran, kết nối wifi khách sạn ở những thành phố còn lại như chơi xổ số. Chán nản với việc cứ nhảy ra nhảy vào các server VPN, tôi quyết định tận dụng trọn vẹn quãng thời gian mất kết nối với thế giới cho hành trình xuôi về phương Nam, tận hưởng Ba Tư một thuở vàng son ngay trong lòng Iran hôm nay.
Thông thường, hầu hết khách du lịch sẽ xây dựng lộ trình khám phá di sản Persian từ nơi khởi thủy Ba Tư cổ đại đến Iran hiện đại. Nhưng tôi quyết định chọn hành trình ngược dòng quá khứ, từ Tehran của nước Cộng hòa Hồi giáo quay về Isfahan – Cố Đô Ba Tư suốt triều đại Safavid thế kỷ 16 & 17; băng sa mạc vào Yazd – vùng đất khởi thủy Ba Tư Hỏa giáo từ khoảng năm 600 TCN; thẳng một mạch đến Fars – nơi Đế quốc Ba Tư trở nên hùng mạnh nhất địa cầu, dưới sự dẫn dắt của Cyrus Đại đế từ năm 559 đến 530 TCN; rồi dừng chân tại Shiraz – cố đô Ba Tư cổ đại (1747-1779 TCN) dưới triều đại Zand.
DỌC ĐƯỜNG ẨM THỰC
Ăn uống trong các quốc gia Hồi giáo luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của bất kỳ du khách gốc Á nào. Không chỉ vì thịt heo không bao giờ xuất hiện trên bàn ăn, mà thực đơn lựa chọn món cũng ít ỏi đáng thương. Iran không như các quốc gia Hồi giáo khác. Một trong những nền văn minh lớn đầu tiên của nhân loại có xuất phát điểm từ Hỏa giáo đã tích lũy cho họ một nền ẩm thực đa dạng, phong phú, ngon và lành hơn bất cứ quốc gia nào trong thế giới Hồi giáo.
Đơn cử như món cơm, mỗi gia đình, mỗi vùng ở Iran đều có một công thức làm món cơm riêng, từ đĩa cơm trắng Kateh (vo gạo, cho nước vào nấu lên), cơm Chelow (nấu với nước muối rồi hấp ráo làm hạt cơm tách rời), cơm trộn Dami mứt hoa quả, hạt nho, kỷ tử, saffron cho đến “đĩa cơm hình tròn” Pollow cầu kỳ trộn thịt, rau, hoa quả hầm chín sẵn. Có khoảng 10 món cơm Pollow với hương vị khác nhau tùy địa phương và tùy theo mùa. Vì vậy, nó còn được gọi là “món cơm theo mùa”. Pollow từng được nhắc đến như món cơm dâng thần Shiva trong sử thi Ấn Độ Mahabharata. Tương truyền, viễn chinh đến Ba Tư, phải lòng Pollow, Đại đến Alexandria đã học công thức làm Pollow rồi về phổ biến rộng rãi trên vùng đất Macedonia.
Một món cơm kinh điển khác của Iran là Tahchin. Cơm sau khi nấu chín thì cho thịt ướp vào giữa rồi nướng toàn bộ bề mặt cơm cho giòn rụm. Đây là món ăn để chia sẻ, vì không ai làm Tachin với khẩu phần cho 1-2 người cả. Và, không thể bỏ qua Sabzipelo – món cơm có vị thảo mộc tươi: ngò, thì là, bạc hà, nghệ tây, đậu fava… Cũng như Mursa Pilou, món cơm mix đậu, mứt, rau tươi, saffron và thịt được bài trí tuyệt đẹp trên chiếc đĩa hình thoi kích thích thị giác, khứu giác lẫn vị giác.
Một món ăn phổ biến khác luôn hiện diện trên bàn ăn Iran là Kebad Chelow, món thịt nướng ăn kèm với cơm hoặc các loại bánh mì. Những món quốc hồn quốc túy khác có thể kể đến: Shishlik (thịt xiên rau củ nướng trên than hồng), Gormesh Sabzi (món thịt hầm thảo mộc trong thời gian dài, món ăn quốc dân Iran). Cũng như cơm, các món súp Iran cũng đa dạng, phong phú. Dù đơn giản hay cầu kỳ đều mất nhiều thời gian chế biến. Tôi phát hiện ra điều này trong bữa cơm tối gia đình tại nhà của chị chủ công ty lữ hành dẫn dắt chuyến du lịch Iran của chúng tôi. Để có thể mời nhóm khách 10 người thưởng thức những món ăn thông dụng của gia đình mình, cả nhà chị, từ mẹ, chị đến em gái đã phải thức dậy, đi chợ và nấu nướng từ sáng sớm. Vậy nên, dù là bữa cơm gia đình đơn giản hay tinh xảo trong nhà hàng, người Iran khó có thể phục vụ trước 1h trưa. Và bởi vì thời gian cầu nguyện, các hàng ăn dù sang hay bình dân, đều chỉ mở order từ sau 1 giờ.
DU LỊCH IRAN ĐẸP NHẤT MÙA NÀO?
Sở hữu gần như mọi kiểu địa hình, từ sa mạc, hoang mạc, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên, biển cả, kể cả dãy núi tuyết, do đó, tùy mục đích du lịch mà bạn có thể cân nhắc các thời điểm thích hợp sau:
- Tháng 3, tháng 4 và tháng 5: Mùa cao điểm ở Iran vì không chỉ thời tiết tuyệt đẹp mà còn có Lễ hội Nowruz (Tết Iran) kéo dài 2 tuần vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Đây là thời điểm nhộn nhịp, đắt đỏ và cũng là thời điểm nhiều dịch vụ đóng cửa để chơi Tết.
- Tháng 7 và tháng 8: Nên cân nhắc vì nhiệt độ thường khoảng 40-41oC.
- Tháng 9 và tháng 10: Tiết trời dễ chịu và giá cả không quá cao so với mùa Xuân.
- Cuối tháng 11, tháng 12, tháng 1 và tháng 2: Trời rét đậm, nên cân nhắc nếu lịch trình có các điểm đến thuộc vùng núi.
Theo lịch Iran, thứ 5, thứ 6 là ngày cuối tuần. Thứ 6 (giống như Chủ Nhật của đại đa số nhân loại) nghỉ làm, không buôn bán. Các cửa hàng bắt đầu nhộn nhịp từ 3h cho đến khuya, tạo nên một nhịp sống về đêm tuy không đèn hoa rực rỡ, không phong phú hoạt động vui chơi giải trí náo nhiệt, nhưng mang nét văn hóa riêng biệt không giống bất cứ nơi nào.
NGƯỜI VIỆT NAM CÓ CẦN VISA IRAN HAY KHÔNG?
Hiện nay, xin Visa Iran đã được thực hiện qua hệ thống Visa điện tử (E-visa) với các bước rất đơn giản và nhanh chóng. Vào trang điện tử của Đại sứ quán Iran: http://e_visa.mfa.ir/en/ đăng ký thông tin theo hướng dẫn, hệ thống sẽ gửi email xác nhận mã Visa (Visa code), đồng thời thông báo cho bạn quy trình duyệt – cấp – nhận Visa.
Hồ sơ xin E-Visa Iran cần chuẩn bị gồm:
- Hộ chiếu gốc còn thời hạn 06 tháng trở lên (scan trang thông tin cá nhân)
- 01 ảnh 4x6cm nền trắng (chụp trong vòng 06 tháng)
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng sau khi đã nộp lệ phí Visa vào tài khoản của Đại Sứ quán Iran.
- Đơn đăng ký xin Visa Iran (trong trường hợp xin Visa tại Đại sứ quán)
- Lịch trình du lịch.
- Sơ yếu lý lịch (Bạn có thể được yêu cầu cung cấp thông tin về quá trình học tập và làm việc hiện tại và trước đây)
- Xác nhận vé máy bay khứ hồi.
- Booking khách sạn
- Mã Visa (Visa Code)
- Bảo hiểm du lịch
- Thông tin khác – Tùy thuộc vào loại thị thực bạn định xin
Thông thường, thời hạn Visa (loại Single Entry) là 60-90 ngày, cho phép lưu trú trong lãnh thổ Iran không quá 30 ngày.
DU LỊCH IRAN CÓ AN TOÀN?
Các xung đột chính trị tại Trung Đông sẽ khiến bạn nhận nhiều ý kiến tiêu cực về Iran. Trên thực tế, Iran là quốc gia ít hoặc không có tội phạm nhỏ, và hầu như không tồn tại tội phạm bạo lực. Người dân Iran thụ hưởng nền giáo dục cao với thái độ sẵn lòng giúp đỡ. Mặc dù hoàn toàn cảm thấy an toàn khi đi lại dọc ngang đất nước Iran, nhưng cũng như du lịch bất cứ nơi đâu, bạn nên tìm hiểu tình hình đất nước đó trước khi khởi hành, cũng như phải luôn để ý đến môi trường xung quanh khi đang ở nơi đó để tránh mọi rủi ro không đáng có.
Lưu ý ăn mặc: Không được mặc quần ngắn, váy ngắn, váy xẻ cao, áo sát nách, áo hở bắp tay hay khoét ngực sâu. Phụ nữ đến các nơi cộng cộng bắt buộc quấn khăn trùm đầu sao cho không lộ tóc và gáy.
CÓ THỂ SỬ DỤNG NGOẠI TỆ THAY CHO TIỀN RIAL?
Có thể. Hầu hết các địa điểm mua bán đều chấp nhận tiền USD và Euro. Bạn cũng có thể sử dụng creadit card tại các cửa hàng sang trọng chuyên kinh doanh những vật phẩm giá trị cao (ví dụ như thảm). Tuy nhiên, nếu chương trình của bạn có nhiều điểm đến là vùng quê, địa phương hẻo lánh, không phải điểm du lịch phổ biến thì nên mang theo tiền Rial.